Tuesday, August 14, 2012

Ngẫu hứng Hà Nội

Mới chơi với dân Hà Nội chưa lâu, dù mới biết được người qua ngôn ngữ trao đổi,chứ chưa một lần gặp mặt. Nhưng thấy thích thích, nên nảy ra ý tưởng viết một chút gì về Hà Nội.. Điều này dường như quá sức, vì tôi chưa hề đặt chân đến thành phố ấy bao giờ. Nhưng thôi cứ viết, cố viết bằng cả tấm lòng, có thể các bạn sẽ thông cảm mà bỏ qua cho những khiếm khuyết….!

Hà Nội, trước hết phải nói đến cái tên. Hà Nội có thể hiểu là dãi đất bên trong các con sông. Có thể đó là sông Đáy và Hồng Hà. Hà Nội chỉ còn ba năm nữa là tròn một thiên niên kỷ. Người xưa coi Hà Nội_Thăng Long là đệ nhất cảnh.. cái đẹp cảnh quan của Hà Nội gắn liền với lịch sử. Lịch sử văn hiến nghìn năm. Cái đẹp như âm vọng từ những di tích: Văn miếu Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Kim Liên, Tháp chùa Liên Phái, Đền Quan Thánh, Đình Chèm, Gò Đống Đa, Nhà bia Cổ Loa, Nhà Thờ Lớn, Khu Phố cổ, Chợ Đồng Xuân,… cái đẹp từ quá khứ xa xăm, từ nền văn minh sông Hồng được hun đúc qua nhiều thế kỷ, với các nến văn hóa lớn: Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn.

Hà Nội có thể tự hào là một trung tâm văn hóa lớn. các công trình nghệ thuật: đền, chùa, đình, quán,… . Chuông Qui Điền là một trong tứ quí của nước Nam, trước kia ở chỗ chùa Một Cột ( đã bị nhà Minh phá bỏ). Chùa Một Cột nằm ở phía nam Hồ Tây, có thể đến đó từ phố Ngọc Hà. Từ hình dáng, đường nét chùa, ta như mường tượng ra được dáng dấp của một con người: đơn độc, cứng cỏi, gan lì, đứng chơ vơ giữa trời nước, như thi gan cùng tuế nguyệt. Chơ vơ nhưng vững trãi bởi trụ đá nghìn năm, lại tỏa ra như bông sen nhân từ của Quan Thế Âm. Hồ sen với lá xanh, bông trắng, nhụy vàng, gần bùn…. Hồ sen, kiểng cổ, cây cao cao vút như hòa quyện, như điểm thêm những nét chấm phá vào bức quân tử tranh này! Đây cũng là một trong quần thể của chùa Diên Hựu.

Chùa Trần Quốc có từ đời Tiền Lý, nước Vạn Xuân, đây là ngôi chùa cổ bậc nhất ở nước ta, tấm hòang phi “Trấn Bắc Tự” vẫn còn đó! Có một vườn tháp lớn với nhiều tháp nhỏ. Đây cũng là nơi quần tụ các công trình của nhiều nhà văn thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử của đất nước. Ba mặt của chùa được nước của Hồ Tây bao bọc. Mây lồng đáy nước, mặt hồ xanh xanh làm lâng lâng những tao nhân, mặc khách. Tiếng chuông công phu, trưa chiều như gọi ai đó tỉnh mộng trần tục! Nhưng tỉnh mộng trần tục để mà làm gi? Nhưng dù sao, đây cũng là vẻ đẹp cổ kính, thanh nhã của một thắng cảnh ven Hồ Tây.

Chùa Quán Sứ, nằm ở phía tây nam của Hồ Gươm, ta có thể đến đó theo phố Lý Thường Kiệt hoặc Trần Hưng Đạo. Khi xưa, chùa là nơi dành riêng cho sứ bộ của các vương quốc lân cận đương thời đến lễ bái. Hậu điện còn thờ nhà sư Minh Không thời Lý. Chùa hiện nay tấp nập khách thập phương và bề bộn bởi nhiều công việc, vì đây là trung tâm của Phật giáo. Nhưng vẫn âm vọng tiếng xưa, như nghe đâu đó phảng phất giọng tụng kinh đều đều, tiếng gõ mõ cóoc, cóoc, cóoc…. , tĩnh mịch, u ẩn của các thiền sư thời Lý Trần, và rồi bỗng vụt tỏa lên cái hào khí Đông A thật dữ dội, một tiếng kêu vang thấu tận trời, đạo và đời, những nhà sư xuất thế, những quốc sư của các triều đại phong kiến Việt Nam cực thịnh.

Hà Nội, chùa và chùa! Thôi thì ghé qua Văn miếu Quốc Tử Giám một chút! Có thể đến đó theo phố Nguyễn Thái Học, vòng qua phố Hàng Bột một chút là tới nơi. Khu Văn miếu có kiến trúc hình chữ Môn, có hai dãy tả và hữu vu đều dài bảy gian, hai chái. Công trạng của các ông tiến sĩ, nho gia được ghi lại trên bia đá. Thật là tài hoa, ngàn đời con cháu vẫn trân trọng những con người ấy! Và cũng chút tội nghiệp cho mấy chú rùa đã nghìn năm cõng bia công trạng! Được rùa cõng là một điều hết sức vinh quang, vì rùa là một trong Tứ Ly: long, lân, qui, phụng, một con vật gần gũi với người Việt Nam! Thần Kim Qui cũng đã từng tặng móng thần cho Thục Phán An Dương Vương, chế tác ra cung nỏ trăm phát để giữ gìn Cổ Loa. Rồi cũng chính Rùa vàng ở Hồ Gươm kia đã dâng gươm báu cho Vua đánh giặc, giữ nước. Và ngày nay như vẫn tiếp tục ngày đêm canh giữ thanh kiếm gia bảo ấy trong lòng hồ, như để nhắc nhở lớp con cháu về những trang sử oai hùng chống giặc của ông cha…. !

Đã nói đến rùa rồi thì cũng phải nói một chút đến Hồ Gươm. Đây là thắng cảnh bậc nhất Kinh Thành, đến Hà Nội mà chưa thăm Hồ Hòan Kiếm thì coi như chưa đền Hà Nội! Hòan kiếm là trả kiếm, đó là để nhắc chuyện Lê Hòan trả kiếm cho Rùa vàng. Có người nói: Hồ là lẵng hoa giữa lòng thành phố mà sông Hồng là dãi lụa uốn quanh. Hồ là viên ngọc báu của Hà Nội. Hồ rộng đến 12 hecta, chiều đông tây rộng 200 mét, chiều nam bắc dài đến 700 mét. Theo sách xưa, hồ trước kia to rộng hơn nay rất nhiều, chỉ có thể thế thì thủy quân mới thường xuyên tập trận đươc! Có thể khi trước hồ to dài đến các phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Chuối bây giờ. Ở phía tây và đông của hồ nay là phô Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hòang. Còn ở phía nam xa xa là phố Hàng Khay. Bên bờ hồ còn có Nhà máy điện, Hội quán Khai Trí, đền thờ vua Lê, các vườn hoa và đường dạo vòng quanh.

Nước Hồ Gươm quanh năm xanh biếc, mặt hồ lung linh mây trời như tấm gương khổng lồ soi bóng cảnh sắc mây trời. Có thể ở những buổi sáng bình minh, mặt hồ xanh đươc phủ trải một lóp nhủ vàng óng ánh nhảy múa, tạo nên sự chuyễn biến của màu sắc vô cùng rực rỡ. Chỉ có như vậy các cụ mới gọi là “ kiếm hồ thần đôn”, ánh sáng ban mai trên mặt Hồ Gươm. Hồ về đêm ắc hẳn cũng lung linh huyền ảo bởi những chùm đèn phản chiếu trên sóng nước trong đêm tối, mà nổi rõ nhất là chỗ Tháp Rùa phía nam.

Truyền thuyết cho rằng, Hà Nội có thành hòang Long Đỗ là một linh thần có sức mạnh vô biên, luôn bảo vệ dân làng. Cao Biền đã từng đem bùa trấn yểm, thần đã nổi giận và làm sấm sét phá tan. Đền Bạch Mã, chốn linh thiêng là nơi vẫn luôn chở che cho người dân Hà Nội!

Nếu ta đi về phía bắc từ Hồ Hòan Kiếm thì sẽ đến Khu Phố cổ của Hà Nội. Phố và phố. Nào là Hàng Gai, Hàng Bạc, nào là Hàng Buồm, Hàng Chiếu…. Không biết có còn đủ ba mươi sáu phố phường hay đã nhiều hơn nữa! Xa xa, ở phía đông của khu phố là cây cầu Long Biên nổi tiếng, vắt qua sông Hồng để đi đến Hải Phòng, Bắc Ninh… Cũng ở trong khu này, chợ Đồng Xuân nằm giữa phố Hàng Chiếu và Hàng Khoai. Nếu ta đi ngược về phía tây theo phố Phan Đình Phùng thì có thể đến Đền Quan Thánh và Hồ Tây. Đi từ phía nam của Hồ Tây, theo phố Ngọc Hà, ta lại có thể đến khu Chùa Một Cột. Có lẻ cũng cần có một chiếc xe máy để rong ruổi trên các nẻo đường Hà Nội.

Hà Nội còn có những kiến trúc đẹp từ thời Pháp mà Nhà hát thành phố, Nhà thờ lớn … là những công trình tiêu biểu. Nhà hát là nơi mà thỉnh thỏang lại sâu lắng bởi những chuỗi âm thanh bác học của dàn nhạc giao hưởng hoặc rộn rả lên bởi một vở kịch mới của đòan kịch nói Thủ đô. Nhà thờ là nơi mà đông đúc tín hữu, chen chút trong những ngày lễ như Giáng Sinh, Phục Sinh… Vẫn là âm thanh vọng vang từ gác chuông nhà thờ, vẫn là tiếng cầu kinh : lạy Cha xin cho chúng con lương thực hàng ngày… đều đều và tiếng Amen ngắt quãng, bất chấp những biến động của thời cuộc! Thực ra, Hà Nội cũng có đủ các lọai kiến trúc Âu Mỹ: Nga, Pháp,Ý, Mỹ,… nhưng không quá xô bồ, hỗn độn như ở các thành phố lón khác! Hình như cũng có một chút chắt lọc, chọn lựa!

Đã nói về di tích, thắng cảnh thì cũng nên viết một chút về ẩm thực! Nói đến ăn uống thì phải kể đến văn hóa giao tiếp của dân Hà Nội: thanh lịch, tinh tế, lịch lãm và tự tin. Có lẻ vì mảnh đất này là nơi hội tụ, tích hợp của nhiều luồng văn hóa, để rồi chắt lọc, thẩm thấu và tỏa sáng. Do vậy cách ăn uống cũng có chút khác biệt với nơi khác, thể hiện qua trình độ thẩm mỹ và năng khiếu chế biến thức ăn.

Phở Hà Nội, phở Việt đã trở thành món ăn đặc trưng của người Việt trên thế giới! Dù chỉ mới dược ăn phở Hà Nội ở Sài Gòn, nhưng tôi cũng đã mường tượng đươc một chút về nó. Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương, cái thhơm của thịt vừa chín đến độ. Nước trong, một nhúm bánh phở mõng mềm đã được trần qua nước nóng, những lát thịt mõng, mấy cọng rau thơm, hoa hành, mấy lát gừng, lát ớt…. Trắng, xanh, vàng, đỏ… bạo màu mà đẹp mắt. Thịt mềm, bánh dẽo, cái ngọt, cái cay, cái thơm của tô phở… khiến nhiều giác quan của người ăn như được huy động, hòa quyện,….

{ Có bạn trong Nhóm Hà Nội đề nghị tôi viết tiếp, có thể là viết về con người, về xã hội và cũng nên viết Hà Nội về đêm!, Ừ, thì viết thêm một chút nữa, nhưng tôi không muốn viết về con người đang đua chen, còn vất vả với cuộc sống thường nhật! Không muốn viết chút nào về một xã hội có thể còn những bề bộn, phức tạp! Tôi không muốn nhìn Hà Nội bằng cặp mắt u ẩn! Xã hội vẫn luôn đổi thay, sôi động! Và rồi chắc chắn Hà Nội sẽ tốt hơn, như hôm nay đã tốt hơn hôm qua, rồi ngày mai sẽ tốt hơn hôm nay….!}

Viết tiếp… 24 giờ sau……

Hà Nội như một mỹ nữ phơi phới xuân tình, luôn chau chuốt sắc đẹp riêng có của mình, tô điểm lại diện mạo khi mỗi xuân, hạ, thu, đông về!

Mùa xuân là mùa của hoa, hoa ở vườn hoa quanh bờ hồ Hòan Kiếm. Hoa ở nhà dân có thể khiêm tốn hơn, như hàng rào râm bụt đỏ tươi, trước sân là huệ, là nhài, bên cạnh là dạ hợp, lan tiêu. Thêm nụ tầm xuân nở ra xanh biếc….Nhưng điều nên kể về hoa ở Hà Nội, đó là hoa từ các làng hoa ở ngọai ô đưa vào thành phố mỗi sáng. Rồi ra chợ hoa Hàng Lược với hàng triệu cành đào mơn mởn đón xuân. Chợ hoa cũng có mai . Cũng có cúc với nhiều lọai khác nhau, có thể gọi nôm na theo hình dáng và màu sắc như cúc vàng to, vàng nhỏ, vàng cụp. Cúc trắng, đỏ, tía, hoa cà Lan thì lại càng đa dạng, nhưng chỉ vài lọai nở vào mùa xuân như lan tai trâu, ngọc điểm của rừng phưong nam, còn hồ điệp thì nở vào mùa hạ.

Mùa thu có thể đây là mùa đẹp nhất của Hà Nội. Mùa thu lá vàng của cây cối, với những sắc độ đậm nhạt khác nhau, tạo nên tầng lớp của cảnh quan. Lá vàng rơi rơi, đôi trai gái ghé đầu vào nhau mà tình tự…. hòang lan thơm suốt đêm. Có thể đi dạo suốt đêm. Có thể vào một quán ăn khuya, có khi chỉ là để tìm một ly cà phê đen, một tách trà nóng, một phong bánh đậu xanh, vài điếu thuốc lá, chỉ thế thôi có khi cũng đã đủ ấm lòng lãng tử.

Nguyễn Việt Dân

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã đọc bài viết. Mong bạn dành thêm chút ít thời gian để lại vài lời cùng chia sẻ với mọi người. Chân thành xin tiếp nhận những ý kiến đóng góp của bạn.